Khuyến mãi Khuyến mãi

Nghe một bài nhạc hay mà không biết tên, thì phải tìm kiếm như thế nào?

Tran Du
Thứ Năm, 21/07/2022

Hẳn anh em cũng biết cái cảm giác khó chịu khi một bài nhạc cứ kẹt mãi trong đầu mà không biết tên, cũng chẳng biết lời bài hát để ngâm nga theo giai điệu. Tương tự như thế là những lúc ra nơi công cộng, loa phát lên một bản nhạc hay nhưng không biết tên. May mắn là nhiều năm qua, đã có không ít những công cụ để anh em tìm kiếm tên một bản nhạc, thậm chí còn dẫn nguồn để bắt đầu nghe luôn.

Phổ biến và dễ dùng nhất có lẽ là Shazam. Tất cả những gì anh em phải làm chỉ là tải ứng dụng về máy điện thoại, khi nào cần tìm kiếm bản nhạc thì bật ứng dụng đó lên, chĩa microphone của điện thoại về phía nguồn nhạc đang phát, chờ vài giây là sẽ có kết quả. Thời gian nghe và tìm kiếm của Shazam phụ thuộc vào việc nguồn âm có dễ nghe hay không, và mức độ phức tạp của âm nhạc đang thu vào mic của điện thoại. Ngay sau khi phát hiện ra tên bài hát, Shazam sẽ dẫn luôn đường dẫn đến trang Apple Music của bản nhạc đó, cho phép anh em nghe luôn hoặc lưu lại vào thư viện nhạc để nghe lại sau.

Link tải Shazam:

Cơn ác mộng tiếp theo là, bài nhạc đang phát dừng mất rồi, lấy gì để Shazam “nghe” và tìm tên bản nhạc bây giờ? Đó là lúc giải pháp thứ hai xuất hiện, tên là SoundHound. Với ứng dụng này, bên cạnh khả năng dùng microphone để nghe nguồn nhạc rồi trả kết quả tên bài hát, thì anh em cũng có thể ngân nga giai điệu của bản nhạc đó cho SoundHound tìm kiếm. Dĩ nhiên, kết quả tìm kiếm chính xác hay không phụ thuộc khá nhiều vào giọng ca vàng của anh em, “mô tả” lại giai điệu của bản nhạc có chính xác hay không. Nếu không quá lệch tông thì SoundHound vẫn sẽ làm được việc.

Bản thân công cụ này dựa trên một công cụ tìm kiếm âm thanh ra đời cũng khá lâu trên PC tên là Midomi, thực tế là phiên bản desktop của SoundHound đến giờ vẫn được gọi là Midomi.

Nếu sở hữu smartphone Pixel của Google, thì anh em sẽ có một công cụ khá mạnh, là tính năng Now Playing. Giống hệt như Shazam và SoundHound, Now Playing cũng dùng microphone của điện thoại để ghi lại nguồn âm xung quanh anh em, rồi đối chiếu với cơ sở dữ liệu để trả lại tên bản nhạc. Thứ khiến Now Playing là một công cụ rất mạnh so với Shazam và SoundHound là chúng luôn được bật, chứ không phải mở ứng dụng lên mới tìm kiếm được bản nhạc. Tạm thời bỏ qua câu chuyện quyền riêng tư, thì Now Playing có khi đã biết tên bài hát trước cả khi anh em ra lệnh tìm kiếm vì nó đã bắt đầu nghe từ trước đó rồi.

Hiện giờ Google đã biến Now Playing thành công cụ Sound Search trên điện thoại Android, thiết bị Google Home và thiết bị hỗ trợ Google Assistant. Chỉ cần hỏi “what song is playing” là anh em sẽ có câu trả lời rất nhanh từ trí thông minh nhân tạo.

Tương tự là với hai công cụ hỗ trợ người dùng Siri và Alexa. Thực tế là Apple đã mua lại Shazam từ năm 2018, và hiện tại họ đang tích hợp khá sâu khả năng của Shazam vào công cụ Siri. Vậy nên anh em chỉ cần gọi Siri lên và hỏi bản nhạc nào đang chạy, và chiếc điện thoại của anh em sẽ nghe và tìm kiếm tên bản nhạc mà anh em đang cần.

Cuối cùng khi mọi cách kể trên đều đã thất bại, thì không gì đọ lại được khả năng của một cú Google Search cổ điển. Chỉ cần cố gắng ghi nhớ một đoạn lời bài hát, rồi anh em nhập câu lyrics đó vào Google để công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh trả lại kết quả tên bài hát với đầy đủ lời bài hát được tổng hợp một cách chính xác. Cách này về cơ bản là giải pháp cuối cùng, nếu Shazam hay những giải pháp kể trên không thể nghe ra âm thanh vì không gian xung quanh quá ồn ã.

Theo Tinh Tế

Hỏi Đáp - Bình Luận

Thu gọn